Trong lúc tập thể thao có nên bật máy lạnh hay quạt máy để giảm nhiệt cho cơ thể? Tác động của việc này tới sức khỏe người tập thế nào? Dùng ra sao để đảm bảo điều kiện tập luyện tốt mà không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tập?
Ai cũng biết môi trường tập thể dục, thể thao tốt nhất là trong không gian mở, không khí trong lành mát mẻ. Nếu được tập trong những khu vực nhiều cây xanh như công viên thì thực sự lý tưởng. Tuy nhiên, do những hạn chế về không gian tại các đô thị, các khi vực sinh hoạt chung như công viên, khu vui chơi rất hiếm. Theo đó, sự bùng nổ các phòng tập tại các tòa nhà văn phòng, chung cư cũng là điều dễ hiểu trước nhu cầu vận động ngày càng tăng như hiện nay.
Có một thực tế, tại nhiều phòng tập, do đặt trong các tòa nhà khép kín nên không có sự lưu thông không khí tự nhiên, kéo theo việc buộc dùng điều hòa nhiệt độ (một số nơi thời tiết nóng như TP.HCM chỉ dùng máy lạnh) và quạt khá phổ biến.
Không để mức nhiệt dưới 20 độ C
Các bác sĩ tây y lẫn đông y đều cho rằng người tập thể dục, thể thao nên tránh gió nhiều nhất có thể khi đang tập thể dục, thể thao trong các phòng tập.
Theo TS Lê Đức Dũng – Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư và tế bào gốc, Bệnh viên Đại học Wuerzburg, CHLB Đức, khi các luồng gió thổi vào cơ thể quá lâu hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp có thể gây căng cơ và làm tổn hại các tế bào. Các luồng gió thường làm giảm nhiệt độ cơ thể, song mức giảm nhiệt độ thường rất nhỏ, các cảm biết trên cơ thể chúng ta không cảm nhận được.
Do đó, theo chuyên gia này, mức nhiệt độ của điều hòa chỉ nên duy trì từ 22-24 độ C để không gây giảm nhiệt bất lợi cho cơ thể.
Khi tiếp xúc lâu trong gió, các mạch máu co lại làm cho các tế bào, nhất là tế bào cơ, không đủ máu. Trong khi đó, khi cơ thể đang vận động, các cơ bắp cần nhiều máu, nếu không được cung cấp đủ máu, có thể gây tổn hại cho tế bào và thường gây căng cơ, có thể gây ra các chứng đau cơ, đặc biệt thường gây đau ở các phần lưng, vai và gáy.
Ngoài ra, còn một vấn đề nữa, không khí từ máy điều hòa thường lạnh và khô. Do đó nó có thể làm khô các lớp niêm mạc ở mũi, miệng, cổ họng, từ đó gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nhất là trong thực tế, các phòng tập thường có đông người trong một diện tích nhỏ, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ càng tăng cao.
Bác sĩ đông y Hồng Việt Hải (TP Everett, bang Washington, Mỹ) cho biết khi tập thể dục, máu huyết lưu thông nhanh hơn. Cùng với đó, các kinh mạch, huyệt vị cũng được mở rộng, vì vậy trong lúc đó nếu bật quạt sẽ khiến phong tà (luồng khí xấu) nhập vào cơ thể, tạo nên những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. “Để tránh phong hàn, không nên bật quạt máy trong khi tập thể dục” – bác sĩ Hải nói.
Đồng quan điểm này, một võ sư tại TP.HCM cho biết y học cổ truyền rất chú trọng việc giữ cho cơ thể không bị nhiễm lạnh và tránh gió (phong), vì đó là căn nguyên của rất nhiều bệnh. Bởi thế có một quan điểm rất phổ biến trong y học phương Đông là “nóng một chút thì nên gắng chịu đựng, nhưng lạnh một chút cần phải khắc phục ngay”. Không phải ngẫu nhiên trong thuật ngữ đông y có rất nhiều loại bệnh gắn với chữ “phong” này như phong hàn, trúng phong, phong sang, phong thấp …
Tránh luồng gió trực tiếp
Trên thực tế, không nói tới các tình huống vận động, tập luyện thể thao, ngay cả ngồi chơi hay ngồi làm việc, việc để những luồng gió từ máy lạnh hay quạt xả thẳng trực tiếp vào mặt, vào người cũng rất hại cho sức khỏe. Việc sử dụng quạt máy trong phòng tập chỉ nên dành cho mục đích lưu thông không khí, không xả trực tiếp vào người tập.
Để lưu thông không khí cho phòng tập, nếu có thể, tốt hơn nên sử dụng hệ thống không khí trên trần nhà thay vì phải dùng quạt máy. TS Lê Đức Dũng cho rằng khi tập luyện đổ mồ hôi cũng không nên dùng quạt. Có nhiều phòng tập chọn dùng quạt tháp (tower fan) để tránh các luồng gió xả quá mạnh và trực tiếp vào người tập.
TS Nguyễn Hồng Vũ thuộc Viện Nghiên cứu ung thu quốc gia City of Hope (California, Hoa Kỳ) cho biết tại khu vực anh ở, các phòng tập cũng phải dùng máy lạnh, quạt máy trong phòng tập vào mùa nóng (kéo dài khoảng 2 – 3 tháng). Tuy nhiên họ không để quạt thổi trực tiếp vào người mà chỉ thổi từ góc phòng nhằm mục đích luân chuyển, lưu thông không khí phòng tập. Chuyên gia này cho rằng chỉ nên để mức nhiệt trong phòng tập từ 25 độ C trở lên.
Không để nhiệt độ quá thấp, luồng gió xối thẳng người
Theo bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên – trưởng khoa hô hấp Bệnh viên Nhi đồng TP.HCM, người tập thể dục trong phòng có trang bị máy điều hòa sẽ có tỉ lệ mất nước cao hơn so với tập ngoài trời hay những phòng có cửa sổ thông thoáng. Máy điều hòa sẽ hút nhiều độ ẩm trong phòng làm người mất nước, từ đó có thể gây đau đầu, đau nửa đầu.
Bên cạnh đó, khi tập luyện trong phòng có máy điều hòa trong một thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về hô hấp ở mũi, cổ họng, mắt. Người tập có thể bị khô họng, viêm mũi, tắc mũi do hậu quả của nhiễm virus hoặc do phản ứng dị ứng từ máy điều hòa, máy quạt do bẩn.
Một bác sĩ thuộc Hội Y học thể thao TP.HCM cho biết khi đang tập luyện, cơ thể sẽ nóng lên và đổ mồ hôi. Nếu luồng gió từ máy điều hòa, máy quạt xối thẳng, xối liên tục vào người thì sẽ làm mồ hôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ giảm mạnh, lỗ chân lông và mạch máu dưới da co lại làm huyết áp tăng.
Lúc này, tuần hoàn máu của cả cơ thể bị mất cân bằng, hệ thống bài tiết mồ hôi cũng bị đảo lộn, gây ra triệu chứng chân tay mất hết sức lực, đau đầu, nặng thì xảy ra tình trạng trúng gió, thậm chí đột quỵ.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu người tập luyện chỉ còn cách lựa chọn tập trong phòng máy lạnh, máy quạt thì cần bổ sung nhiều nước để bù vào lượng nước mất qua mồ hôi.
Đồng thời, cần lưu ý không nên để nhiệt độ quá thấp, không để luồng gió xối trực tiếp vào người, vệ sinh máy điều hòa, máy quạt thường xuyên nhằm loại bỏ các ổ chứa vi khuẩn, nấm mốc và các vi sinh vật khác.